Mô hình nghệ thuật bằng tăm giang

05/05/2022 NGUYỄN NGỌC QUỲNH HƯƠNG 0 Nhận xét

Hôm 30 tháng Bảy vừa qua, mô hình điện Capitol tòa nhà quốc hội Hoa Kỳ hoàn toàn bằng tre đã được trưng bày tại Trung Tâm Văn Hóa Nghệ Thuật của đại học cộng đồng Montgomery, quận Montgomery, tiểu bang Maryland.

Sau đó, kiến trúc Capitol thu nhỏ này được chuyển giao về viện bảo tàng  Ripley ở thành phố  Orlando, tiểu bang Florida.

Đây là tác phẩm nghệ thuật bằng tre, chính xác hơn là bằng tăm giang, do một người Việt  thiết kế. Đó là thạc sĩ kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long đến từ Việt Nam, được  Ripley’s Intertainment Inc. mua lại để đưa vào phòng triển lãm các công trình sáng tạo bằng  tre trúc mà viện đã có từ trước.

Từ điện Capitol …

Tại  Hoa Kỳ, Ripley, còn có tên là Ripley’s  Believe It Or Not, được biết đến như một đại công ty chuyên giới thiệu và trưng bày những sản phẩm nghệ thuật mới lạ có tính cách giải trí, giáo dục, phim hoạt hình và sách báo. Ngoài trụ sở chính ở Florida và những chi nhánh tại các tiểu bang  khác, Ripley còn có  32 trung tâm triển lãm tại 10 quốc gia trên thế giới.

Chuyện bắt đầu từ tháng Tư 2016, khi kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long  từ Việt Nam đến Hoa Kỳ, mang theo  mô hình Capitol mà lúc ấy chỉ mới hoàn tất phần mái vòm. Tiến sĩ Trần Kiều Nga, cư dân Maryland, thành viên của US Asia Links, tổ chức thương mại người Mỹ gốc Việt, kể lại:

Tôi có người bạn tên Lĩnh, cuối tháng Ba anh Lĩnh có đưa kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long đến nhà tôi để giới thiệu mô hình của US Capitol. Khi nhìn thấy mô hình làm bằng tre đẹp rực rỡ mà anh Long chưa hề biết, chỉ là nghiên cứu những dữ kiện trên mạng và từ đó  làm ra được, tôi  thấy rất phục tài thành ra tôi đưa đến giới thiệu với dân biểu Van Hollen.

Ấn tượng trước tác phẩm nghệ thuật độc đáo này, chánh văn phòng của dân biểu  Van Hollen, cô Karen Robb, đã chụp ảnh và đưa lên trang tweet của ông Van Hollen.

Ngay sau đó, báo Washington Post tải lại hình mái vòm Capitol từ trang mạng của dân biểu Van Hollen rồi đăng  lên trang The  Daily 202 PowerPost của báo:

Bảo tàng viện Ripley đọc được tin đó trên tờ Washington Post và họ liên lạc để mua lại mô hình đó. Đó là khoảng tháng Tư, đến khi mọi chuyện xong xuôi, đồng ý giá cả thì anh Hoàng Tuấn Long mới làm thêm cánh bên trái và cánh bên phải cũng như những bố cục về cây cảnh chung quanh.

Đến đầu tháng Tám là tuần lễ này đây thì phải giao mô hình đó cho bảo tàng viện Ripley nhưng vì mô hình làm quá công phu và quá đẹp nên chúng tôi nghĩ nên giới thiệu trước với cộng đồng Việt Nam ở đây cũng như những người bạn Mỹ. Thì US Asia Links mới liên lạc trường Montgomery College, mượn được Trung Tâm Văn Hóa Nghệ Thuật của trường để làm buổi ra mắt cho mô hình của điện Capitol cũng như ra mắt một nhân tài là kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long.

Ngay khi nhìn tác phẩm tuyệt hảo này trong phòng Văn Hóa Nghệ Thuật của đại học cộng đồng Montgomery không xa thủ đô Washington là mấy thì tôi thấy phấn khởi lắm  vì sinh viên của trường chúng tôi đến từ 160 quốc gia  khác nhau sẽ được dịp chiêm ngưỡng tác phẩm này.

Đó là cảm tưởng của bà Kim McGettigan, giám đốc hành chánh đại học cộng đồng Montgomery:

Mô hình đền Tajmahal. Photo courtesy of songngumedia.com Mô hình đền Tajmahal. Photo courtesy of songngumedia.com

Mô hình không chỉ đẹp mà còn là  một ví dụ điển hình của sự đam mê, lòng kiên nhẫn và  tính nhẫn nại. Với tôi, người nghệ sĩ này đã bền chí cho tới lúc hoàn thành và chúng tôi hãnh diện khi được giới thiệu kiệt tác này đến mọi người trong khuôn viên trường chúng tôi.

Ông Edward Meyer, phó giám đốc chuyên trách triển lãm và lưu trữ từ viện bảo tàng Ripley thành phố Orlando, Florida, cho biết lý do Ripley quyết định  mua lại mô hình điện Capitol của kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long vì tác phẩm không những đẹp mà còn đáp ứng mong muốn của  Ripley là đi tìm những điều  mới lạ có thể gọi là không tưởng:

Tính tới lúc này thì đây là tác phẩm làm bằng tre mà đã tạo ấn tượng mạnh nhất, tóm lại  đây là một tuyệt tác mà cũng là điều khó tưởng tượng nỗi trong suốt một thời gian dài.

Ripley sở hữu nhiều công trình thiết kế bằng que diêm và tăm tre của những nghệ nhân trên thế giới nhưng chưa từng có một tác phẩm bằng tre hay trúc nào từ Việt Nam. Nét hấp dẫn của tác phẩm chính là công sức lao động của con người, là sự tận tụy khi thực hiện phiên bản Capitol thu nhỏ này trong mấy tháng trời, vì thế không ngạc nhiên khi mô hình được coi là khó tưởng tượng có thể làm nỗi này lại rất xứng hợp cho phòng triển lãm mà chúng tôi hãnh diện gọi là Ripley’s  Believe It Or Not.

Mô hình điện Capitol tòa nhà quốc hội Mỹ không phải là tác phẩm đầu tiên của kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long. Năm 2012, thạc sĩ kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long, tốt nhiệp khoa kiến trúc từ Đại Học Bách Khoa Quốc Gia Belorusia, phát minh loại hình nghệ thuật anh gọi tên là BOARC mà vật liệu truyền thống là tăm giang. Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long cho biết:

Giang là loại cây cũng thuộc họ tre nhưng thích hợp làm tăm hơn là tre vì nó dẻo. Gọi là BOARC vì BO là bamboo, ARC tức là acrylic, Việt Nam mình gọi là mi ca, và phát âm nó cũng giống như từ ART là nghê thuật.

… đến Chùa Một Cột

Những tác phẩm nghệ thuật mà kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long thiết kế và được trưng bày ở Việt Nam là mô hình Chùa Một Cột, thắng cảnh lịch sử của Hà Nội, đền Taj Mahal lừng danh của Ấn Độ , công trình BOARC Temple và những  mẫu thiết kế nhỏ hơn như đài sen, Thánh giá, bông tuyết… Tất cả những  sản phẩm thủ công tỉ mỉ, trang nhã, công phu này đều được làm bằng tăm giang, keo, mi ca dưới  bàn tay khéo léo của con người:

Taj Mahal là công trình kiến trúc đầu tiên mà tôi làm bằng tăm. Mình tìm hình ảnh trên mạng trên google, tổng hợp tất cả những cái đó cộng với các thông số trên Wikipedia, kích thước nó ra làm sao, các thứ nó như thế nào, từ đó mình vẽ ra và làm ra công trình Taj Mahal.

Chùa Một Cột thì đã có kinh nghiệm của Taj Mahal  rồi, với lại tư liệu thì ở trong nước nên mình tìm dễ dàng hơn. So với số lượng tăm và số lượng lỗ cần phải đục của Taj Mahal thì mình làm nhanh hơn chứ còn thực ra mất tới 6 tháng lận.

Năm 2016, tác phẩm  Chùa Một Cột dựng bằng tăm giang cao 0,99 mm  mét, hoàn tất trong vòng 6 tháng,   đã mang lại cho kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long chứng chỉ kỷ lục Guiness Vietnam.

Tháng Tư 2016, kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long đến miền Đông Bắc Hoa Kỳ cùng với mô hình mái vòm Capitol mà anh chưa từng tận mắt nhìn thấy bao giờ:

Mô hình Chùa Một Cột bằng tăm giang. Photo courtesy of songngumedia.com Mô hình Chùa Một Cột bằng tăm giang. Photo courtesy of songngumedia.com

Nói về điện Capitol thì tôi rất thích kiến trúc của tòa nhà này, nó đẹp và cân đối, phim ảnh truyện các thứ và  đặc biệt nhà  văn Dan Brown tả về Capitol rất kỹ mà tôi đọc và mê thiệt là mê nên quyết định làm thử.

Tôi lại lên google tìm hình ảnh, vẽ lại và bắt đầu thực hiện. Cái hấp dẫn là toàn thể  tòa nhà nằm ở trên đồi Capitol rất đẹp, điểm nhấn của tòa nhà đúng là cái mái vòm, cái dome đó. Tôi  lựa cái dome tôi làm đầu tiên để xem mình có làm nổi hay không tại mình chưa hình dung được nó khó tới cỡ nào.

Lúc làm thì đúng là khó thiệt, làm rồi bỏ làm rồi lại bỏ rất nhiều. Tôi sử dụng đâu cũng cỡ hơn 30.000 cây tăm, còn acrylic thì không tính được vì nó là những miếng cắt ra, mình chỉ biết số lượng lỗ đục để xỏ tăm qua cũng phải hơn 60.000. Tôi mất khoảng 3 tháng để làm cái dome đó.

Và như đã nói, nhờ sự giới thiệu của bạn bè và những người quen trong US Asia Links, mô hình mái vòm điện Capitol của kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long được biết đến và lọt vào những đôi mắt tinh đời của Ripley’s Believe It Or Not,  nơi đã có không ít những mô hình  kiến trúc lừng danh thế giới được thiết kế bằng que diêm hoặc tre hay gỗ với kích thước nhỏ hơn nhiều lần có thể.

Đối với kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long, ngoài niềm tự hào vì tác phẩm của mình lọt vào mắt xanh của Ripley,  niềm hạnh phúc khác nữa là được tận mắt chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc đồ sộ, phản ảnh chiều dài lịch sử lập pháp của một đất nước hùng mạnh mang tên Hiệp Chủng Quốc:

Cảm tưởng khó tả lắm,“Ồ nó đây rồi”, trong đầu tôi nghĩ vậy đó. Cái cái mà trước giờ nằm mơ cũng không thấy bây giờ nó đang nằm trước mặt mình đây, thật là thú vị! Tôi nghĩ cái này chắc là phải hoàn tất thôi chứ chỉ cái dome không thì mình có lỗi với bản thân quá vì nó đẹp quá.

Ý nghĩ phải dựng cho xong hai cánh bên phải và bên trái điện Capitol  đến trong đầu kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long cũng là khi viện bảo tàng Ripley, qua báo Washington Post, liên lạc và đặt mua tác phẩm mà tác giả phải lưu lại Hoa Kỳ để ráp nối thêm những công đoạn sau cùng. Cho đến khi kết thúc thì tổng cộng khoảng 250.000 tăm giang  đã được sử dụng cho công trình nghệ thuật này:

Nếu tính ra thời gian có lẽ nó khoảng 7 tháng và tôi dự tính đầu tháng  Tám 2016 thì  hoàn tất. Tôi làm tòa nhà này với sự thích thú về nghệ thuật, cảm nhận vẻ đẹp của kiến trúc  lịch sử lâu đời của nước Mỹ. Thật ra tôi cũng chỉ cố gắng làm hết sức mình để thể hiện một công trình biểu tượng của nước Mỹ  bằng vật liệu của Việt Nam. Cái hồn của nó thì có lẽ tôi không cảm nhận được hết vì tôi không phải là người Mỹ, nhưng tôi cảm nhận được sự hoành tráng sự hùng vĩ và cái đẹp của tòa nhà này.

Hình ảnh Việt trong tác phẩm

Được biết sau mô hình Chùa Một Cột thu nhỏ bằng tăm giang, kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long đã nghĩ đến việc sẽ thiết kế mô hình cửa Ngọ Môn ở Huế và Chợ Bến Thành ở Sài Gòn. Với chuyến đi Mỹ để vừa làm việc vừa thăm viếng đất nước này, nghệ nhân tài bà Hoàng Tuấn Long biết mình sẽ không chỉ dừng lại ở đó:

Cửa Ngọ Môn ở Huế và Chợ Bến Thành đã nằm trong kế hoạch rồi thì mình sẽ tiếp tục thực hiện khi có thời gian. Thực ra  tôi cũng mơ ước hơi cao một chút là làm những công trình nổi tiếng, ví dụ National Mall (Công Viên Quốc Gia) ở Washington, tại vì ở đây tập trung rất nhiều các tòa nhà tuyệt vời và tuyệt đẹp, từ viện bảo tàng Smithsonian, rồi Smithsonian Castle, rồi Nhà Trắng, Cây Bút Chì và  thư viện. Đặc biệt cái thư viện nó đẹp lắm, tôi muốn làm thêm những công trình như vậy nữa.

Đó là ước mơ ngay lúc này khi kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long khi trò chuyện cùng Thanh Trúc tại Hoa Kỳ. Nhưng một  ý tưởng đã nung nấu trong lòng người kiến trúc sư này bao lâu là làm sao có thể thương mại hóa lãnh vực BOARC để giúp người khuyết tật như câm, điếc hoặc bại liệt có được công ăn việc làm mà không cần phải di chuyển nhiều:

Thực ra tôi không biết gì về kinh doanh, chỉ biết làm nghệ thuật với kiến trúc thôi nhưng tôi rất mong muốn sản phẩm của mình được thương mại hóa để tôi có thể mời những người bị tật nguyền, những người khiếm thính hay bị cái gì đó mà có khó khăn về công việc, thí dụ như vậy, thì họ hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm này. Tôi rất là muốn việc đó.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

zalo 0795979632 zalo zalo
popup

Số lượng:

Tổng tiền: